- Quay lại quá khứ và nhớ lại nhiều công trình được xây dựng ở Sài Gòn - TP.HCM từ khoảng thập niên 60-70 đến khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, chúng ta sẽ gặp những mảng tường, hàng rào, cầu thang có bề mặt “đá rửa, đá mài”. Đó là một phương pháp thi công bề mặt đã phổ biến ở Sài Gòn trong một thời gian dài và đã lan ra nhiều địa phương khác. Phương pháp thi công này hiện ít gặp. Chuyện kể của KTS Cổ Văn Hậu - người thầy của nhiều thế hệ kiến trúc sư ở TP.HCM - sẽ giúp quý khách hình dung phần nào về một phương pháp thi công đã “ Vang Bóng Một Thời ” , nay đã trở lại .
Nói ngắn gọn thì đá rửa gồm có xi măng (thông thường là xi măng trắng), cát mịn trộn với đá nhỏ (thường là đá “hột lựu” và đá mi - dẹp, có cạnh sắc). Đá cần có kích thước đồng nhất và cũng có thể chọn theo màu xám, đen, trắng, vàng hoặc pha trộn theo tỷ lệ thích hợp. Tường xây đã được tô trát sau đó gạch chéo nhiều đường để tăng độ bám rồi được tô hỗn hợp đá rửa như kể trên dày chừng hơn 5 ly. Nếu muốn có màu như ý thích thì phải pha thêm bột màu và chọn màu đá cho thích hợp. Sau công đoạn tô, chờ cho tường khô se chừng 3- 4 tiếng tùy thời tiết rồi đến công đoạn “rửa”. “Rửa” là xịt cho nước chảy trên bề mặt rồi dùng bàn chải chà nhẹ cho rơi bớt xi măng để lộ đá ra. Đá rửa phổ biến nhất là vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước.
Đá mài cũng làm tương tự như vậy, để lâu hơn cho khô rồi tưới nước và mài. Có 3 công đoạn là mài thô, mài nhẵn và mài bóng.
Đá rửa được dùng nhiều cho các mặt đứng ở ngoài nhà như tường rào, cổng. Đá mài có thể dùng nhiều cho cả mặt bằng và mặt đứng như nền, cầu thang hoặc cột… Có một loại đồ vật dùng đá mài ở mức độ phổ biến mà đến giờ vẫn hay gặp là ghế đá ngoài trời.
Cả đá mài, đá rửa nếu được phối màu, thi công tốt thì đều đảm bảo thẩm mỹ, chống thấm tốt.
Đá mài đá rửa cũng đã có thời trở nên phổ biến và nayđã trở lại và còn ghi dấu ấn ở nhiều công trình lớn trong cả nước .